30/04/2025, 07:00 (GMT+7)
Cách đây tròn 50 năm, mùa xuân năm 1975 đã khắc sâu vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một bản hùng ca vĩ đại. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã đồng lòng bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân với niềm tin tất thắng. Cao trào là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử – chiến dịch mang tên Bác – đã kết thúc vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, khi xe tăng Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Lá cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập không chỉ báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ tay sai, mà còn mở ra kỷ nguyên mới: đất nước thống nhất, Bắc – Nam sum họp một nhà, giang sơn thu về một mối.
Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập.
Vào cuối năm 1974, đầu năm 1975, thời cuộc chuyển mình mạnh mẽ. Nhận thấy sự thay đổi rõ rệt và thuận lợi trong tương quan lực lượng tại miền Nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975–1976. Trong đó, Đảng ta xác định: “Cả năm 1975 là thời cơ” và khẳng định rõ: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975”. Quyết tâm ấy không chỉ là sự tính toán chiến lược, mà còn là lời hiệu triệu hào hùng của dân tộc đứng lên vì độc lập – tự do – thống nhất.
Chiến thắng ở Tây Nguyên rồi tiếp nối bằng Huế – Đà Nẵng đã chứng minh thời cơ chiến lược đã đến. Bộ Chính trị nhận định ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam, và đưa ra mệnh lệnh quyết đoán: “Phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất để giải phóng miền Nam trước mùa mưa”. Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh, như một lời khẳng định thiêng liêng: Bác đang sống mãi trong lòng dân tộc, dẫn đường cho thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng.
Trước khi tiến vào Sài Gòn, quân giải phóng đã đập tan tuyến phòng thủ trọng yếu của địch ở Xuân Lộc và Phan Rang – hai pháo đài cuối cùng bảo vệ Sài Gòn từ hướng Đông. Đến 17 giờ ngày 26/4/1975, năm cánh quân chủ lực đồng loạt xuất phát, mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc. Trong từng bước tiến, từng tấc đất giành lại, là ý chí sắt đá của dân tộc không chịu khuất phục, là khát vọng cháy bỏng được sống trong hòa bình, độc lập, tự do.
Và rồi, thời khắc vĩ đại đã đến. 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, xe tăng và bộ binh của quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập. Tổng thống chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ – Dương Văn Minh – buộc phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. 11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng kiêu hãnh tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh, khép lại trang sử 21 năm chiến đấu gian khổ chống Mỹ, mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước – kỷ nguyên độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Chiến dịch Hồ Chí Minh không chỉ là chiến thắng quân sự mà còn là chiến thắng của lòng dân, của lẽ phải, của khát vọng hòa bình. Chiến thắng ấy là sự kết tinh của trí tuệ, lòng dũng cảm, sự hy sinh to lớn của biết bao anh hùng, liệt sĩ, đồng bào cả nước.
Và để ghi nhớ công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc – Sài Gòn năm xưa đã được vinh dự mang tên Người: Thành phố Hồ Chí Minh – thành phố của niềm tin, của tình yêu Tổ quốc, và của khát vọng vươn tới tương lai.
50 năm đã trôi qua kể từ ngày non sông liền một dải, nhưng âm vang của Chiến thắng 30/4/1975 vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận, hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường và khát vọng vươn lên trong mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Hòa chung không khí thiêng liêng của đại lễ kỷ niệm, thầy và trò Trường Đại học Thành Đông càng thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, đồng thời nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Mỗi sinh viên Thành Đông không chỉ học tập, rèn luyện để trở thành công dân toàn diện, mà còn mang trong mình sứ mệnh tiếp bước cha anh, viết tiếp trang sử vàng bằng tri thức, sáng tạo và lòng nhiệt huyết.
Từ những giảng đường hôm nay sẽ vươn ra những đôi cánh tri thức, góp phần dựng xây một Việt Nam hùng cường, phát triển và hội nhập – xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước, và với niềm tin của đất nước gửi gắm vào thế hệ tương lai.